Cùng với chùa Chuông, Hưng Yên còn có Văn miếu Xích Đằng nức tiếng xa gần. Trong quần thể di tích Phố Hiến, chùa Chuông nằm trước, Văn miếu Xích Đằng nằm sau thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa Phật giáo và Nho giáo.
Văn miếu Xích Đằng nằm ở phường Lam Sơn, TP Hưng Yên. Đường vào Văn miếu đi qua một đầm sen rộng. Khi chúng tôi đến, mùa sen đã tàn, chỉ còn những xác lá khô gục đầu trên mặt nước.
Sừng sững hai bên lối vào Văn miếu là hai cây cổ thụ, mỗi bên có thêm một “ông” nghê đá, mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỉ 17, 18.
Hai cây gạo cổ thụ sừng sững hai bên lối vào Văn miếu Xích Đằng
Nghi môn Văn miếu bề thế, thâm nghiêm
Dẫn vào sâu trong Văn miếu là “con đường thập đạo” - lối đi dành riêng cho quan lại hoặc các vị giám khảo trong các kì thi. Hai bên đường là nhà tả vu và hữu vu - nơi chứa đồ đạc, sách vở, quần áo của các thí sinh về đây ứng thí.
Theo con đường thập đạo đi thẳng vào là khu nội tự. Nội tự gồm: nhà tiền tế, trung từ và hậu cung. Nội tự thờ đức Khổng Tử và Chu Văn An.
Hiện vật quý nhất của Văn miếu Xích Đằng là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia ghi danh các vị danh nho đỗ đạt của tỉnh Hưng Yên và bia cuối cùng (hàng bên phải) ghi lại quá trình xây dựng Văn miếu.
Xưa, các cuộc thi thơ, bình văn được tiến hành trong Văn miếu giữa tiếng chuông, tiếng khánh ngân nga. Nay chuông chỉ rung lên mỗi độ xuân về hoặc vào dịp thầy trò các trường trong tỉnh tới dâng hương.
Văn miếu Xích Đằng trong sắc hoa gạo đầu xuân
Bài: Quỳnh Anh - Ảnh: Mỹ Nhung
0 nhận xét:
Post a Comment