Dù có đường khác gần hơn nhưng mỗi ngày tôi đều chọn lối đi qua cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM) để đến cơ quan, đơn giản chỉ để được ngắm những chùm hoa bò cạp vàng rũ xuống, đong đưa trong gió.
Hàng cây bò cạp nước trên đường Điện Biên Phủ
Sắc vàng đầy mê hoặc
Ai đã từng học Đại học Đại cương ở Linh Trung (Thủ Đức) chắc hẳn cũng đã có lúc thơ thẩn ngắm nhìn hoa bò cạp nước duyên dáng buông dài trong khuôn viên trường. Ngày xưa, chúng tôi gọi đó là “sắc vàng mê hoặc”, vì không thể làm ngơ trước bất kỳ một cây hoa bò cạp nước nào.
Thử tưởng tượng đang dong xe ngoài đường, mặt nhăn tít vì cái nóng và khói bụi của đất Sài thành, đột nhiên trong tầm mắt hiện lên sắc vàng dịu dàng của cây hoa bò cạp, lòng ai chẳng dịu hẳn đi.
Cách đây mấy năm, bò cạp nước vẫn còn hiếm hoi ở Sài Gòn. Không ít người ngỡ ngàng khi nhìn ngắm hoa nở rộ, từng chùm buông thõng như thắp sáng cả một khoảng trời. Nhiều người đi ngang dừng lại ngó nghiêng một hồi rồi tấm tắc khen “hoa gì đẹp quá trời quá đất!”.
Bây giờ bò cạp nước đã có mặt khắp các con đường ở Sài Gòn như Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng… và phủ vàng các công viên Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng, cầu Sài Gòn. Ngay cả khu biệt thự Thảo Điền (quận 2) cũng được nhuộm vàng ruộm mỗi khi bò cạp nước mãn khai.
Buông từng chùm vàng trong sân chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM)
Đường chạy của nhà thi đấu Phan Đình Phùng dịu dàng hẳn
Cây bò cạp nước có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, còn gọi là cây muồng hoa vàng. Giới chơi cây kiểng gọi là cây Osaka, cây Xuân muộn (hay Mai nở muộn) hay Hoàng yến, Hoàng hậu…
Cây thân gỗ có thể cao từ 5 m đến 20 m, hoa nở rộ từ tháng 4 đến tháng 7. Ngoài cây bò cạp nước hoa vàng còn có cây bò cạp nước hoa đỏ.
Ánh Nguyệt - Quốc Thắng
0 nhận xét:
Post a Comment