Từ sau ngày toàn thắng 30/4/1975 đến nay, Dinh Độc Lập là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. 30/4 năm nay, cũng như mọi năm, Dinh Độc Lập lại là điểm đến của nhiều du khách.
Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên từng đoạt giải thưởng quốc tế Khôi Nguyên La Mã - thiết kế theo phong thuỷ và kiến trúc phương Đông nhưng lại rất hiện đại.
Công trình được Tổng thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ quyết định khởi công, vào ngày 1/7/1962 trên nền Dinh Nô rô đôm (Dinh Thống đốc) do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1868.
Dinh mới được chính quyền Sài Gòn đặt tên là Dinh Độc Lập (hay còn có tên khác là Phủ Đầu Rồng , Phủ Tổng thống). Dinh được đưa vào sử dụng chính thức vào ngày 31/10/1966.
Nguyễn Văn Thiệu là người đứng đầu chế độ cũ, có thời gian nắm quyền lâu nhất trong Dinh (từ tháng 10/1967 - 21/4/1975).
Bằng chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Xuân 1975, 11 giờ 30 phút ngày 30/4 /1975, lá cờ cách mạng đã được kéo lên nóc Dinh Độc Lập và đại diện quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn.
Sau Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc tổ chức tại Dinh Độc Lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Dinh được vinh dự mang tên mới Dinh Thống Nhất.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mời bạn đọc cùng khám phá đôi nét về Dinh Độc Lập cùng một số hiện vật quý trưng bày, lưu giữ trong Dinh qua những bức ảnh mới chụp sau đây.
Toàn cảnh Dinh Độc Lập Sài Gòn
Chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và xe tăng mang số hiệu 390 của đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203, quân đoàn 2, Quân đội nhân dân Việt Nam húc tung cổng Dinh và cùng tiến thẳng vào bên trong Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 45 phút trưa ngày 30/4/1975, nay được trưng bày trong khuôn viên của Dinh.
Chiếc máy bay chiến đấu F5E do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Sài Gòn cũ được phi công phản chiến Nguyễn Thành Trung (đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam được bố trí hoạt động trong lực lượng không quân địch) sử dụng để ném bom xuống Dinh Độc Lập lúc 8 giờ sáng ngày 8/4/1975, nay được trưng bày trong khuôn viên Dinh để du khách tham quan, tìm hiểu.
Phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu bố trí ở phía trái tầng 2 của Dinh Độc Lập.
Phòng tiếp khách trong nước của Tổng thống Việt Nam cộng hòa thời đó
Phòng ngủ của Tổng thống Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ trong hầm ngầm của Dinh Độc Lập khi có tình huống đặc biệt xảy ra.
Đài phát thanh dự phòng của chính quyền Sài Gòn cũ đặt trong hầm ngầm của Dinh Độc Lập có khả năng phát sóng ngay sau khi đài chính ở mặt đất bị tấn công.
Thảm cỏ xanh trước cửa Dinh, có hình oval.
Lá cờ, con dấu và huân huy chương thứ hạng cao của chế độ cũ mà bộ đội ta thu được trong Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 hiện được trưng bày tại phòng triển lãm chính đặt ở tầng 1 trong Dinh.
Hàng ngày có hàng ngàn lượt người tới thăm và tìm hiểu lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975 tại Dinh Thống Nhất hôm nay.
Bài: Tiến Ngọc
Ảnh: Ngọc Bằng
0 nhận xét:
Post a Comment