U tịch không một bóng người, chỉ có cây cối rậm rạp, với cổng tam quan và khu đền thờ ẩn dưới những tán lá cổ thụ… Đó là không gian của chùa Bà Đanh (còn gọi là Bảo Sơn tự), một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam bởi hình thế sơn thủy hữu tình nhưng gần ngàn năm nay vẫn bị mang tiếng “đệ nhất vắng khách”.
Toàn cảnh chùa Bà Đanh bên dòng sông Đáy (nhìn từ cầu Cấm Sơn)
Cuối tuần, trời mưa tầm tã, tôi men theo con đê tả ngạn sông Đáy, đến làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) để tìm đến chùa Bà Đanh. Con đường vào chùa hun hút với hai hàng cây nhãn bao bọc. Xa xa, đứng từ cây cầu thép Cấm Sơn, có thể thấy dáng dấp của một ngôi chùa cổ trong màu xanh bạt ngàn của rừng cây, bên bờ sông Đáy hiền hòa.
Chùa Bà Đanh không lớn, duy có cổng tam quan đồ sộ, với hàng cây đại già đứng sừng sững trước mặt. Quanh chùa lác đác nhà dân nhưng tuyệt không nghe rõ tiếng người, chỉ thấy tiếng gió vi vu thổi cùng tiếng lá khô rơi xào xạc trước sân chùa. Cảnh chùa luôn u tịch.
Song có lẽ chính không gian u tịch, thanh vắng ấy đã trở thành ẩn số để bao người phải trăn trở “vì sao ngôi chùa lại vắng khách?”. Cũng đã có nhiều kiến giải cho rằng vì chùa Bà Đanh nằm ở vị trí xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn lối ra vào độc đạo và có nhiều thú dữ. Thêm vào đó, ngôi chùa lại rất linh thiêng, ai trái ý là bị quở phạt nên khách thập phương vốn đã ít lại càng thưa vắng.
Bãi đá cổ rẽ vào đền trình
Tam quan chùa Bà Đanh luôn đóng cửa, chỉ trừ ngày lễ mới mở cổng chính
Trong chùa còn có cây đào tiên tuổi thọ trăm năm
Tuy nhiên, thực tế mấy năm trở lại đây, con đường dẫn vào chùa đã được khai quang, mở rộng và lát bêtông, dân cư ở cũng đã đông hơn...
Nhưng sao chùa vẫn vắng? Vẫn không ai lý giải được! Những câu hỏi, những trăn trở suy tư về ngôi chùa có lẽ sẽ còn kéo dài, chưa có lời giải đáp.
Nhưng với tôi, dù lời giải thích đúng hay sai thì câu nói cửa miệng “Vắng như chùa Bà Đanh” đã phần nào khẳng định cái “thương hiệu” cho ngôi chùa trường tồn cùng thời gian. Bởi sự thật, đến bây giờ thật hiếm có nơi nào hoang sơ và thanh vắng như ngôi chùa nổi tiếng này.
Theo các bậc cao niên của thôn Đanh Xá, xưa kia chùa Bà Đanh vốn là một bãi đất bồi giữa ngã ba sông Đáy. Từ trên cao nhìn xuống, bãi đất tựa như hình một con rồng đang quặn mình xả nước, ban đêm nghe thấy cả tiếng hùm gầm. Chính vì thế đất ấy nên làng Đanh quanh năm lụt lội, dân nghèo khổ đói khát quanh năm. Nhiều người đã bỏ đi nơi khác để lập nghiệp.
Tương truyền vào thế kỷ thứ 7, trên bãi đất xuất hiện một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến thời Lê Hy Tông (1675-1705), chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn.
Một hôm, người già nhất trong thôn nói trong giấc mộng cụ thấy một người con gái trẻ đẹp hiện về truyền rằng dân làng muốn yên ổn làm ăn phải lập đền thờ. Đền vừa dựng xong được ít lâu, cây mít cổ thụ gần 1.000 tuổi bỗng dưng bị gió quật đổ. Dân làng Đanh lấy gỗ để tạc tượng và làm ngai để thờ người con gái đã về báo mộng cho dân làng. Và cái tên chùa Bà Đanh cũng chính thức có tên từ đó.
0 nhận xét:
Post a Comment